Bộ Công Thương yêu cầu ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia nhằm hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ bất hợp pháp qua biên giới.
Ngày 14/11, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 21 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia thuộc nhóm HS 44.03 và 44.07. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2027.
Trước đó, ngày 15/11/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 44 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia. Thông tư 44 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023.
Sau 4 năm thực hiện, Bộ Công Thương tiếp tục gia hạn quyết định nàynhằm hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ bất hợp pháp qua biên giới.
Bộ Công Thương cho rằng việc duy trì chính sách này nhằm hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ bất hợp pháp qua biên giới, kiểm soát được tình trạng thương nhân lợi dụng các quy định về loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ để thực hiện các hành vi gian lận thương mại.
Ngoài ra, thông tư góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rừng, lâm sản, phù hợp với các quy định quốc tế như hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và các nước EU về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/PLET), công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp (Cites)…
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ từ Campuchia đạt 7,5 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, Việt Nam chi khoảng 82 triệu USD nhập khẩu lâm sản từ Lào, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.